Thánh vật ở sông Tô Lịch - Kỳ INhiều công nhân, và cả gia đình họ, người bị chết, người mơ thấy ma, người thì đột nhiên bị ngã bệnh sau khi những công nhân này thi công một đoạn sông Tô Lịch.
Ông Nguyễn Hùng Cường kể, trước khi thi công, tôi có mời ông Phạm Ngọc Anh - kỹ sư thủy lợi - làm chuyên viên kỹ thuật. Ngay ngày đầu tiên đi khảo sát thực địa, ông Anh phát hiện một ngôi đền rất lớn ở bờ sông phía An Phú – đền Quán Đời có từ đời Lý.
Ông Anh nói luôn: “Cậu không nên nhận thi công đoạn sông này. Nguy hiểm lắm. Tôi ân hận vì đã không nghe lời khuyên”.
Ngày 15/8/2001, tôi vừa làm lễ trong đền Quán Đời, vừa cho máy xúc, máy ủi xuống bờ sông khởi công. Vừa thắp được mấy nén hương, tự nhiên lửa trong mấy nén hương cứ bùng lên cháy rực, đồng thời tự nhiên ngực tôi đau buốt.
Mãi mới vẩy được lửa, cắm lên bát hương thì ngoài công trường báo về có sự cố. Vái vội mấy vái, tôi chạy ra. Thì ra ngoài công trường, sau khi đắp đê bơm nước ra, anh em phát hiện rất nhiều cọc gỗ lim đóng theo những hàng ngắn, bố trí rất lạ.
Tháng 6/2007, Công ty Liên doanh Xây dựng VIC trùng thầu gói thầu 07 dự án cải tạo hệ thống thoát nước Hà Nội (CPTA). Công việc cụ thể là nạo vét và kè đá bờ sông Tô Lịch. Tác giả bài này là ông Nguyễn Hùng Cường – đội trưởng đội xây dựng số 12 trực tiếp chỉ huy thi công đoạn sông qua làng An Phú, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Cũng là vô sư vô sách, tôi chỉ huy cho máy nhổ cọc lên. Máy vừa nhổ được hai chiếc cọc, tự nhiên như có một lực gì đẩy, chiếc máy xúc từ từ trôi xuống sông, đồng thời đê ngăn nước vỡ, nước tràn vào ngập kín chiếc máy xúc.
Cũng gần như cùng lúc ấy có tiếng người hét lên. Trong đống bùn mà máy xúc đã xúc lên bờ có lẫn rất nhiều xương người, xương thú vật, đồ gốm, đồ sắt, đồ đồng như bát đĩa, dao, liềm, kim khâu, tiền đồng, tiền cổ.
Biết là gặp chuyện chẳng lành, tôi cho dừng thi công, và yêu cầu công nhân hom tất cả đồ cổ, xương người lại và báo với Bảo tàng Hà Nội.
Ông Phạm Kim Ngọc, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội, và nhiều nhà khoa học đến hiện trường thu nhặt cổ vật mang về bảo tàng. Tối hôm đó, anh Hùng, người lái máy xúc nhổ cọc, đang khỏe mạnh vừa về đến nhà chợt lên cơn động kinh, mắt trợn, miện sủi bọt mép, người cứ quay tròn như gà bị cắt tiết.
Cả nhà anh Hùng biết có sự lạ, sắm lễ ra bờ sông vừa khóc vừa lễ. Lễ xong, đốt vàng mã được một nửa thì điện thoại ở nhà báo tin Hùng đã tỉnh lại.
Không biết làm cách nào, nghe bạn mè mách, tôi phóng xe đi Hải Phòng mời một thầy pháp nổi tiếng về trừ tà.
Vừa nói chuyện với thầy, tự nhiên thầy trừng mắt: “Này, chỗ ấy âm khí nặng nề, sức tôi không trừ được”.
Nằn nì mãi thầy mới về Hà Nội mà cũng chỉ dám làm lễ cầu an ở bờ sông và về Hải Phòng ngay đêm đó.
Mấy ngày sau, Bảo tàng Hà Nội tổ chức một hội thảo khoa học, hội tụ rất nhiều nhà khoa học cả về sử học, bảo tàng, tâm linh.
Kết luận của giáo sư Trần Quốc Vượng được chấp nhận, đây là trận đồ bát quái yểm trấn giữ cửa thành Đại La từ thế kỷ IX.
Giáo sư cũng đề cập đến lực lượng âm binh tại đây và dặn tôi phải cẩn thận kẻo ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng công nhân.
Tôi cùng anh em công nhân thu nhặt hết xương người liệm vào tiểu và chôn ở bờ sông, hàng ngày cắt cử người hương khói. Nhưng công việc không tiến triển được. Cứ đắp lên, đê lại vỡ.
Anh em công nhân ở công trường luôn mơ thấy ma quỷ và thường gặp tai nạn lao động. Vét được chút bùn nào lên, cũng thấy kèm theo xương người, có khi cả đầu lâu. Chúng tôi liệm hết vào tiểu đem chôn gần đó.
Một mặt đổi mới kỹ thuật thi công, mặt khác tôi vẫn tiếp tục mời thầy cúng trừ tà giải hạn. Nhưng tất cả các thầy bắc, nam đều bất lực. Công nhân toàn nằm mơ thấy những người mặt áo the, khăn xếp đánh đuổi không cho nằm. Nhiều người không dám ở lại
Anh Thương (quê Nghệ An) ngủ ở lán công trường đêm nào cũng mơ thấy một bà cụ hiện lên nắm tóc đuổi đi và nói: “Đây không phải là chỗ kiếm ăn của mày, về quê mà sống”.
Anh Thương không chịu bỏ đi mà còn khuyên nhiều công nhân ở lại làm. Được ba hôm, vợ anh làm cấp dưỡng cho công nhân bị bỏng độ 3 toàn thân. Sợ quá anh đưa vợ đi bệnh viện và bỏ việc luôn.
Đến tháng 11/2001, tôi mời được thượng tọa Thích Viên Thành ở Chùa Hương về làm lễ cúng cho tôi ở hiện trường. Vừa đến hiện trường, thầy ngồi xuống nhắm mắt niệm phật. Niệm một lúc thầy đứng lên nói. Đây là trận đồ trấn yểm rất nguy hiểm.
Sau đó thầy lập đàn tràng ở bờ sông hóa giải trấn yểm. Lễ xong, thầy Thích Viên Thành nói với mọi người: “Thầy đã cố gắng hóa giải nhưng anh em phải cẩn thận. Còn anh Cường phải chịu nhiều hậu quả, gia đình, anh em con cháu cũng gặp họa”.
Rồi buồn buồn thầy nói: “Vì cái đàn tràng này, tính mạng thầy cũng khó giữ”. Ba tháng sau, thầy Thích Viên Thành hóa. Các đệ tự nói trước khi mất thầy còn nói thầy mấy vì trận đồ trấn yểm ở Sông Tô Lịch.
Nhưng công việc cũng không tiến triển được. Đê đắp lên là vỡ, kè thép không vỡ thì nước xói từ dưới lên. Đặt đá xuống thì đá chìm nghỉm.
Để kiểm tra địa tầng tìm kiếm biện pháp thi công mới, tôi thuê một dàn khoan thăm dò đến khoan mấy mũi. Dàn khoan dựng ở giữa sông, đội khoan hạ mũi khoan. Lạ thay cứ hạ mũi khoan xuống một đoạn là mũi khoan lại gãy. Ba lần như vậy, họ lẳng lặng tháo dàn khoan đi mất, không đòi tiền. Công nhân vẫn hoang mang vô cùng.
Anh Hoàn (quê Ninh Bình) - làm đốc công – có hôm vừa dẫm chân lên đầu cột gỗ thì ở quê nhắn lên bố anh ốm thập tử nhất sinh.
Mẹ anh Nguyễn Văn Nông – thủ kho và là người thu lượm các hài cốt và di vật - bị tai biến mạch máu não.
Sau khi thầy Thích Viên Thành làm lễ hóa giải yểm trừ, anh Trần Văn Lợi – người Bắc Giang – nhảy xuống lòng sông vét bùn. Vừa lên bờ tắm rửa xong thì nghe tin nhà ở quê bị cháy rụi, một đứa cháu rất thân với anh đột ngột chết.
Các công nhân sợ hãi nghỉ việc cả. Chiều chiều đứng bên bờ sông hoang vắng, lòng tôi bỗng chua xót. Tôi có tội gì đâu mà thánh thần hại tôi đến nỗi này.
Theo Bảo Vệ Pháp Luật (Còn nữa)